Những ngày đầu năm mới 2025, đồng bào vùng cao xã Phước Năng, Phước Sơn lại tất bật cho vụ mùa mới. Cánh đồng lớn của xã nhộn nhịp người cày cấy, đắp đất, be bờ… Điều này khác hẳn với hình ảnh vào mùa của nhiều năm về trước, đồng bào sản xuất tự do theo tập quán, kinh nghiệm gia đình.

Đang làm cỏ, bùn đất lấm lem, bà Hồ Thị Bàng vẫn hồ hởi khoe, đây là vụ thứ 3 gia đình thực hiện theo phương thức sản xuất tập trung, hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật và bám sát lịch thời vụ theo hướng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã. Năm 2023, trong vụ đầu tiên mạnh dạn thay đổi, năng suất lúa tăng và giá thành gạo lứt cũng cao hơn so với trước. Gia đình không những đủ ăn mà còn bán cho các hộ kinh doanh phần lúa dư dả.

Cánh đồng lớn xã Phước Năng. Ảnh: H.Q

Trước đây, những nông dân vùng cao như bà Bàng ngại thay đổi, vì sợ không hiệu quả, dẫn đến thiếu đói. Song, phương thức canh tác của họ đã lạc hậu, được truyền từ đời này sang đời khác, còn được mùa hay không lại phụ thuộc vào đất, trời. Do năng suất thấp, đời sống người dân quẩn quanh nghèo khó.

Ông Đào Thanh Ân – cán bộ nông nghiệp xã Phước Năng chia sẻ, cán bộ địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ chỗ chỉ một vài hộ mạnh dạn chuyển đổi trong vụ đầu tiên năm 2023 thì sang vụ tiếp theo, người dân đồng loạt đăng ký tham gia khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Vụ đông – xuân năm 2024, năng suất lúa sau khi chuyển đổi đạt 52 tạ/ha.

Ông Hồ Văn Khu – Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, địa phương đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, trong đó tập trung kỹ thuật tưới tiêu, gieo mạ, cấy lúa, bón phân hữu cơ… Đến nay, toàn xã có khoảng 500 hộ dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích lên đến 112ha. Đây chính là mô hình điểm về sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên và lớn nhất của huyện Phước Sơn.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực vận động người dân tham gia mô hình, từng bước mở rộng diện tích sản xuất. Đồng thời xây dựng chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP để sản phẩm gạo lứt tím của đồng bào Bh’noong vươn xa.

Ông Hồ Văn Khu – Chủ tịch UBND xã Phước Năng

Theo bà Nguyễn Thị Hằng – Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Phước Năng, đơn vị đã liên kết với người dân sản xuất lúa hữu cơ, trong đó tập trung hỗ trợ người dân cày, cấy bằng máy móc, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh. Cuối vụ, người dân có nhu cầu bán lúa, gạo thì HTX sẽ thu mua toàn bộ với giá cả ổn định. Nhờ sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ nên giá gạo lứt tím bán ra thị trường khá cao, khoảng 50 nghìn đồng/kg.

“HTX đang có kế hoạch liên kết sản xuất thêm vụ hè – thu, tiến tới 1 năm sản xuất 2 vụ để nâng cao sản lượng thu hoạch và hiệu quả kinh tế cho người dân” – bà Hằng cho biết.

Vùng cao luôn khắc nghiệt, quanh năm đối mặt với thiên tai. Để thích nghi, đồng bào xem lúa gạo là biểu tượng no ấm, là của để dành phòng khi mất mùa, đói kém… Do đó, mỗi nhà sẽ luôn cố gắng lao động để mang về một kho thóc thật đầy sau một vụ thu hoạch.

Chị Hồ Thị Thúy Ngân – thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My chia sẻ, trong một lần đến với bản làng vùng cao, chị ngỏ ý muốn mua gạo lứt đỏ của những hộ dư dả để ăn, song bị từ chối. Họ “ngại” bán lúa, gạo sẽ mang lại điều không may, dù lúa tồn trong kho lâu ngày bị sâu, mọt làm hư hại…

“Gạo lứt đỏ của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng được sản xuất hữu cơ hoàn toàn nên an toàn, tốt cho sức khỏe, được thị trường ưa chuộng, nhất là nấu cơm hoặc pha trà. Nếu thương mại hóa sẽ nâng giá trị hạt gạo, vừa mang lại thu nhập cho người dân. Từ suy nghĩ này, tôi bắt đầu kết nối với Hội LHPN các xã để vận động bà con bán số gạo dư” – chị Ngân chia sẻ.

Người dân vùng cao sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ hoàn toàn. Ảnh: H.Q

Kiên trì vận động trong một thời gian dài, các hộ mới chịu bán gạo. Bà Hồ Thi Thoa – nóc Mô Rỗi, thôn 1, xã Trà Tập (Nam Trà My) cho biết, lâu nay gia đình thu hoạch lúa xong cất vào kho để ăn dần cho đến vụ năm sau. Có năm ăn không hết, tồn kho hư hỏng rất đáng tiếc. Khi Hội LHPN nữ xã hỗ trợ thu mua, hai vợ chồng bàn bạc, thống nhất ý kiến bán phần lúa dư, sau khi tính toán lượng gạo gia đình ăn đủ trong 1 năm. Với giá 25 nghìn đồng/kg gạo thành phẩm, bà giã gạo, sàn thật sạch rồi mới giao về cho cán bộ phụ nữ. Số tiền nhận được khi bán gạo giúp bà mua mắm muối, các vật dụng thiết yếu trong gia đình và nuôi con ăn học.

Sản phẩm bánh gạo lứt đẳng sâm của chị Ngân. Ảnh: H.Q

Chị Ngân cho biết, từ năm 2022, chị xây dựng thành công sản phẩm OCOP gạo lứt đỏ Nam Trà My đạt chuẩn 3 sao. Tiếp đó, chị tiếp tục nghiên cứu, chế biến sâu để đưa ra thị trường sản phẩm bánh gạo lứt đẳng sâm. Sản phẩm này chị đang hoàn thiện bao bì, nhãn mác để đăng ký sản phẩm OCOP vào năm 2025.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho 2 dòng sản phẩm, năm 2024 tôi đã thu mua 1 tấn gạo lứt đỏ của bà con Ca Dong, Xê Đăng. Sắp tới, khi thị trường mở rộng, tôi sẽ thu mua gạo với số lượng lớn hơn.

Chị Hồ Thị Thúy Ngân – thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My
Hạt gạo trong mâm ẩm thực vùng cao. Ảnh: H.Q

Tiêu biểu như gạo baton, gạo lứt tím của đồng bào Bh’noong, gạo đỏ ma ra của người Co, gạo lứt đỏ của người Ca Dong, Xê Đăng hay lúa ba trăng của người Cơ Tu. Với phương pháp canh tác hoàn toàn hữu cơ, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao, hạt gạo trở thành câu chuyện bán hàng hút khách cho nhiều doanh nghiệp.

Thực hiện: HỒ QUÂN

Báo Quảng Nam

Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận